/

Hà Tĩnh khai thác tiềm năng văn hóa vật thể, phi vật thể chưa xứng tầm

14:41 05/07/2024
21 lượt xem

Sáng nay (5/7), Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về Chính sách, pháp luật phát triển Văn hóa. Tham dự Hội nghị có Đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia trên lĩnh vực văn hóa.

Tại buổi tiếp xúc, đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh thông báo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15. Các nội dung cơ bản của Dự án Luật di sản văn hóa (sửa đổi), chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 và chính sách pháp luật về phát triển văn hóa. 

Hội nghị tiếp xúc cử tri Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh của đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh

Cử tri đánh giá cao chất lượng hoạt động của Quốc hội thời gian qua, đồng thời góp ý nhiều nội dung trong dự án Luật di sản văn hóa.

Cử tri kiến nghị bổ sung thêm chính sách đặc thù đối với các di sản là danh nhân được UNESCO vinh danh; quan tâm phát triển loại hình bảo tàng tư nhân, quy định rõ ràng hơn về điều kiện thủ tục thành lập bảo tàng tư nhân; bổ sung quy định quỹ bảo tồn di sản do tư nhân thành lập, quy định rõ hơn về phân cấp phân quyền và mô hình quản lý các di sản văn hóa.

Cử tri Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tại buổi tiếp xúc

Đối với chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, cử tri kiến nghị cần quy định rõ hơn về xã hội hóa trong việc tôn tạo các di tích; ưu tiên đầu tư tôn tạo đối với các di sản văn hóa, công trình văn hóa để vừa bảo tồn vừa phát huy được giá trị của di sản.

Cử tri cũng đề xuất giải thích rõ các thuật ngữ và thống nhất thuật ngữ để tránh vướng mắc khi dự án luật được thông qua.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh khẳng định: Hà Tĩnh có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đồ sộ, đặc sắc, tuy nhiên việc khai thác chưa xứng tầm

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, mục tiêu, động lực, nguồn lực nội sinh thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển văn hóa.

Với việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa, xây dựng ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan tiếp tục tạo cơ sở pháp lý, góp phần nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của nhân dân; mở rộng giao lưu, hội nhập văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; khẳng định vị thế của nền văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Hà Tĩnh có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đồ sộ, đặc sắc, tuy nhiên việc khai thác chưa xứng tầm.

Do vậy ngành Văn hóa phải chủ động tham mưu cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, bảo tồn và nhất là khai thác di sản một cách hiệu quả.

Quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển các tua du lịch văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà hát nghệ thuật truyền thống, trường Cao Đẳng Văn hóa Nguyễn Du...

Đổi mới trong quản lý, quảng bá các khu di tích. Đối với văn hóa cơ sở, ngành cần phát huy hết công năng của nhà văn hóa, các câu lạc bộ, tranh thủ nguồn lực của trung ương để phát triển văn hóa tỉnh nhà.

Với các ý kiến đóng góp của cử tri, đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tiếp thu và sẽ tổng hợp gửi các bộ ngành trung ương xem xét giải quyết. Đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương, sẽ giao các ngành liên quan sẽ tiếp thu, nghiên cứu xử lý./.

Văn Thành, Phương Linh/HTTV

Xem thêm phản hồi...